Những góc tối và điều cấm kỵ trong giáo dục!

Viết status này tôi không khỏi có chút run tay, nhưng là một người làm giáo dục, tôi nghĩ mình cần viết để đóng góp.
Mấy hôm nay cộng đồng xôn xao về việc em bé rơi từ tầng 12 được cứu sống, và các thầy cô giáo Vật lí đưa ra rất nhiều phép tính với các kết quả khác nhau. Điều này là điều tốt vì đây là cơ hội để học sinh, các thầy cô giáo có dịp trao đổi, tranh luận và sử dụng tư duy phản biện của mình để cố gắng đi tìm chân lí trong khoa học. Vậy nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, một cuộc chiến đã xảy ra trong cộng đồng Vật lí. Nhiều thầy cô đả kích nhau vì cho mình là đúng, người khác sai, “dốt”, “chả biết gì về Vật lí”, “dạy như thế cũng đòi làm thầy”, thậm chí lôi đời tư của nhau ra công kích. Tại sao các thầy cô giáo, những người đúng ra phải tranh luận có văn hóa, phải giúp đỡ nhau tìm ra cái đúng nhất, thì lại ứng xử như vậy?
Qua một thời gian gắn bó với ngành giáo dục, tôi rút ra được cho bản thân mình rằng, giáo dục dựa trên 2 triết lí cơ bản:
Triết lí 1: Tất cả mọi người, hoặc ít nhất là đối tượng được giáo dục, là có thể thay đổi được, để trở thành người tốt hơn và hoàn thiện hơn.
Không có triết lí này, mọi cố gắng, mọi hành động giáo dục đều là vô nghĩa, tức là sẽ không có giáo dục ngay từ đầu. Đây là triết lí quan trọng nhất.
Triết lí 2: Những nhà giáo dục, nhất là các thầy cô giáo, luôn cần phải (1, quan trọng nhất) mong muốn làm cho người được giáo dục tốt lên, (2, quan trọng nhì) sẵn sàng làm cho họ tốt lên và (3, xếp cuối về mức độ quan trọng) có khả năng làm cho họ tốt lên. Không có triết lí này, sẽ không có người làm giáo dục.
Vậy mà trong mấy ngày vừa qua, tôi quan sát thấy có nhiều thầy cô giáo hoàn toàn không mang 2 triết lí này trong tâm trí khi tranh luận với nhau. Tại sao các thầy cô giáo chúng ta lại có thể chụp mũ nhau, nói xấu nhau trên mạng xã hội một cách công khai? Hãy cùng nhau phân tích một chút.
Tranh luận khoa học, về bản chất là cực kỳ tốt và là động lực cho khoa học phát triển, nhưng có vẻ như chúng ta đang không tranh luận vì khoa học, không tranh luận để tìm ra cái đúng, mà tranh luận để tìm ra người đúng. Một người giải sai một bài toán không có nghĩa là người đó ngu, không có nghĩa là người đó sẽ giải sai toàn bộ những bài toán khác, và càng KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGƯỜI ĐÓ SẼ MÃI KHÔNG BAO GIỜ KHÁ LÊN ĐƯỢC. Chúng ta có bao giờ chửi học sinh ngu khi học sinh làm sai 1 bài tập, bảo rằng học sinh không thể tiến bộ được không? Nếu có thì chúng ta không xứng và không nên làm giáo viên. Còn nếu không, thì tại sao chúng ta lại làm như vậy với chính các đồng nghiệp của mình? Chúng ta một mực kêu gọi thay đổi vì nền giáo dục nước nhà, nhưng chính chúng ta liệu đã thực sự sống với và làm theo những tư tưởng cao đẹp đó hay nó chỉ là một lời hô hào đẹp mã? Với những tư tưởng và cách đối xử với nhau cực đoan và đi ngược triết lí nền móng của giáo dục như vậy, liệu những học sinh của chúng ta, được chứng kiến cách đối xử đó của các thầy cô với nhau, sẽ suy nghĩ gì và trở thành người như thế nào? Tôi cảm thấy thực sự buồn khi đọc được những comment của các bạn học sinh trong post của thầy này, gọi thầy kia là “lão”, thậm chí là “thằng”. Để gặt hái được quả ngọt từ giáo dục thì cần mấy chục năm, nhưng để gặt được quả đắng, quả báo thì thậm chí chỉ cần vài phút qua một bài post.
Vậy nguyên nhân vì đâu?
Tôi nghĩ, vì 2 nguyên nhân.
Thứ nhất là chúng ta đang quên hẳn đi, hay thậm chí là không có trong đầu 2 triết lí nền tảng đã nêu của giáo dục. Chúng ta không góp ý cho nhau về mặt khoa học, không góp ý để người kia tiến bộ, không nghĩ rằng họ có thể thay đổi được mà coi như người kia “ngu”, “dốt”, “bảo thủ”; đã vậy chúng ta cũng không còn mong muốn, không còn sẵn sàng giúp đỡ họ, và cũng thể hiện luôn là không có khả năng bằng việc còn mang sự sai của họ ra bêu riếu cho thiên hạ cùng nhảy vào “chửi cùng”, so xem ai có lượng fan lớn hơn để được bảo vệ nhiều hơn.
Thứ hai là chúng ta đang vi phạm vào điều cấm kị bậc nhất trong giáo dục. Đó chính là: CÁI TÔI. Chúng ta đang để cho “cái tôi” đập chết tất cả những triết lí của giáo dục. Không có gì nguy hại bằng việc một người thầy bị cái tôi xâm chiếm. Lúc đó họ sẽ không nhận mình sai, và mọi hành động mang tính giáo dục chấm dứt từ giây phút ấy. Các vụ thầy cô trù dập học sinh, rồi nói những lời cay độc khiến học sinh tự tử cũng chỉ từ 2 chữ “cái tôi” mà ra.
Trong khoa học, cái duy nhất quan trọng là cái gì đúng, cái gì sai chứ không phải ai đúng ai sai. Mà nếu chúng ta có sai đi nữa thì cũng nên mừng, vì chúng ta học được điều mới, sửa được cái sai mà chúng ta cứ tưởng đúng trước giờ. Einstein và Newton cũng đã từng sai, và những cái sai đó làm cho cộng đồng khoa học tranh luận sôi nổi, thúc đẩy khoa học đi lên. Nếu tranh luận vì khoa học, thì sau khi tranh luận, chúng ta sẽ thân thiết với nhau hơn (như Einstein và Bohr) chứ không phải bị chia rẽ và lại đi tìm những thứ thuộc về đời tư của nhau để bới móc như bây giờ. Chỉ cần “Thầy ơi, mình nghĩ chỗ này cần làm thế này, chỗ kia cần giải thế kia thì sẽ chính xác hơn”, chứ không phải “Thầy về học lại Vật lí đại cương đi” hay “Dốt như này cũng đòi đi dạy”.
Tôi thấy rằng, chúng ta làm rất nhiều thứ để đổi mới, cải cách chương trình học, nhưng điều quan trọng hơn hết là triết lí giáo dục và cách làm giáo dục của chúng ta chưa thống nhất, và chưa thực sự mang tính giáo dục, tính nhân văn. Còn như vậy, giáo dục có đổi mới chương trình tân tiến hiện đại như thế nào đi nữa cũng sẽ đào tạo ra những thế hệ không hoàn thiện về nhân cách, vì bản thân các thầy cô vẫn đang không áp dụng tư duy giáo dục với nhau. Tôi đắn đo rất nhiều mới viết status này. Cũng chỉ vì 2 cái triết lí bên trên, vì muốn đóng góp ý kiến.
Vậy đó, chỉ 1 tai nạn rơi xuống của em bé mà lộ ra nhiều mảng tối trong giáo dục. Tôi nghĩ vấn nạn lớn nhất của giáo dục VN không phải là học thêm, không phải là luyện thi, không phải là học chay, mà là có rất nhiều người đang LÀM giáo dục, nhưng không phải VÌ giáo dục, hoặc có thể chỉ là nhất thời quên đi sứ mệnh của giáo dục là thay đổi người khác để họ tốt hơn. Kính mong các thầy cô sau khi đọc được những dòng này hãy tĩnh tâm lại, dành thời gian thực sự suy ngẫm xem mình đang thực sự làm cái gì, vì cái gì, để khi nhìn học sinh, vẫn có thể mỉm cười tự tin xưng với các bạn ấy một chữ: “thầy”.
Status của tôi không có ý định chỉ trích cá nhân bất cứ ai, chỉ đơn giản là nói lên những quan sát, suy nghĩ của bản thân với mong muốn đóng góp. Ai thấy hợp lý thì cùng làm thôi ạ. Hãy tưởng tượng một nền giáo dục mà chúng ta không còn lắng nghe ý kiến của nhau nữa, mà cứ ai khác ý là chỉ trích, thì nó sẽ đi về đâu?
NGUỒN: Facebook Dũng Phạm (https://www.facebook.com/DungPham0617)

Bài viết liên quan