DẠY NÓI IELTS MỚI & LẠ, THẦY CÔ ĐÃ THỬ CHƯA?

Ứng dụng hoạt động vào dạy nói IELTS để biến kiến thức mang tính học thuật trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. 

Qua kinh nghiệm giảng dạy IELTS nhiều năm cũng như trải nghiệm các phương pháp giảng dạy TESOL, cô Nguyễn Thị Như Ngọc (IELTS 9.0) là một trong những người đi đầu trong việc áp dụng thành công các phương pháp dạy học thiên hoạt động vào giảng dạy IELTS. Dưới đây là một vài phương pháp dạy nói  IELTS (IELTS Speaking) hiệu quả và dễ hiểu mà thầy cô có thể tham khảo. Kiến thức được tổng hợp từ buổi đào tạo “How to teach IELTS speaking effectively” của cô Nguyễn Thị Như Ngọc.

Cô Nguyễn Thị Như Ngọc

Luôn luôn warm-up trước khi vào buổi học

Warm-up là một hoạt động thường thấy trong giảng dạy tiếng Anh, tuy nhiên, với IELTS mang nặng tính học thuật, nhiều thầy cô lại không áp dụng hình thức này vào giảng dạy. “Speaking” là để nói, nhưng nói cái gì, nói như thế nào mới quan trọng. Nhiều thầy cô dạy IELTS bắt đầu buổi học đã đi ngay vào luyện nói. Không đánh giá phương pháp đó là hiệu quả hay không hiệu quả, nhưng sẽ hay hơn nếu thầy cô khởi động tinh thần học viên, để học viên bước vào bài học với một tinh thần cao nhất. Có nhiều hoạt động warm-up, nhưng nên tìm những hoạt động vừa chơi vừa bổ trợ được kỹ năng nói.

Warm-up để khời động

“Teach” đi liền với “task”

Có phải thầy cô vẫn hay thường hay lựa chọn lối dạy một mạch sau đó sẽ quay lại giải thích và để học viên của mình thực hành? Chia nhỏ kiến thức và để học viên thực hành luôn phần kiến thức đó, là cách để học nhanh nhớ lâu. Với kỹ năng nói, hãy chia nhóm để học viên được làm việc cùng nhau. Ứng dụng hoạt động vào bài giảng giúp học viên từng bước “tự sản xuất ngôn ngữ”. Đây chính là sự kết hợp một cách rất tự nhiên từ TESOL sang IELTS. TESOL luôn luôn sử dụng các hoạt động, đặt người học trong trạng thái luôn phải làm việc, luôn phải nói, để nói tiếng Anh và giao tiếp dần trở thành một thói quen.

Cung cấp “input” một cách linh hoạt trước khi vào bài nói

Chúng ta đều biết muốn nói được thì cần phải có từ vựng, có ngữ pháp. Vậy phải làm sao nếu bài giảng hôm nay có thêm nhiều từ mới, thêm một vài cấu trúc ngữ pháp? Lúc đó giáo viên cần phải là người cung cấp “input” cho học viên. Như đã nói trên “teach” phải luôn đi liền với “task”, nói đơn giản hãy sử dụng hoạt động để cung cấp cho học viên “input” trước khi vào thực hành bài nói.

Ví dụ:

 Hôm nay chủ đề nói về “Diet”, giáo viên sẽ chiếu bức ảnh một người đàn ông to béo. Sau đó sẽ để học viên tự đoán chủ đề thông qua hình ảnh. Mỗi học viên sẽ đưa ra một vài dự đoán xoay quanh bức ảnh như “fat”, “overweight”, “diet”, “huge”… Một cách để học viên tự suy nghĩ và sản xuất ngôn ngữ. Thông qua hoạt động, giáo viên sẽ cung cấp thêm những từ mới liên quan đến chủ đề. 

Thầy cô cũng có thể sử dụng các hoạt động khác như “hot seat”, “slap the board”…

Ứng dụng các hoạt động để cung cấp “input”

Hiểu mục tiêu của các câu hỏi để đưa ra câu trả lời phù hợp

Một vấn đề tưởng như đơn giản nhưng thực sự quan trọng. Hãy giúp học viên hiểu rõ mục tiêu của câu hỏi để trả lời trúng và đúng. “Trả lời đơn giản, giảm lược những từ ngữ mạnh” là lời khuyên của cô Nguyễn Ngọc. Vì khi nói, giám khảo sẽ đánh giá sự hiểu của thí sinh và cách  phát triển câu trả lời hơn là việc thí sinh diễn tả nó một cách cao siêu.

Như vậy, chúng ta có thể thấy, việc áp dụng các hoạt động trong TESOL một cách linh hoạt vào dạy nói IELTS giúp việc nói tiếng Anh của học viên trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. “Học viên cần có cơ hội được NÓI, học viên trả tiền đến lớp để được NÓI tiếng Anh, vậy chúng ta đã giúp họ thế nào?”– Nguyễn Ngọc. Là một giáo viên dạy IELTS, thầy cô nên suy nghĩ về việc truyền tải kiến thức như thế nào để học viên của mình hiểu và sử dụng được.

Bài viết liên quan