BẠN ĐÃ HIỂU ĐÚNG VỀ TESOL CHƯA?

  

Chứng chỉ TESOL đang càng ngày càng phố biến và được ưu ái sử dụng bởi cả giáo viên tiếnh Anh và các đơn vị đào tạo cả trên thế giới và Việt Nam. Uy tín của TESOL không chỉ được biết đến vì tính pháp lý hoặc giá trị trong tuyển dụng mà chủ yếu là từ sự mới mẻ, cấp tiến và hiệu quả từ phương pháp giảng dạy TESOL. Ví dụ, với khóa TESOL của Viện TESOL Quốc tế Úc (AIT) thì phương pháp đặc trưng là giảng dạy bằng hoạt động, giúp tối đa hóa sự tương tác và tích cực của học viên và giáo viên trên lớp học.  

Có thể nói TESOL đã mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và thu nhập tốt cho giáo viên, tuy nhiên TESOL không phải là “chìa khoá vạn năng”. TESOL chỉ nên coi là sự khởi đầu cho hành trình giảng dạy chuyên nghiệp vì vậy giáo viên cần luôn học hỏi, cập nhật, thực hành và hoàn thiện các kỹ năng để không ngừng duy trì và phát triển sự nghiệp của mình.

Bài viết dưới đây EDUCAP muốn chia sẻ tới anh chị em thêm thông tin để giúp hiểu đúng về TESOL cũng như có sự lựa chọn phù hợp với mình. Một khóa học, cho dù được cung cấp bởi bất cứ đơn vị, tổ chức nào thì cũng chỉ thực sự có giá trị và phát huy hết hiệu quả nếu nó đáp ứng đúng nhu cầu của người học và ngược lại. 

HIỂU ĐÚNG ĐỂ QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG!

     1. Khẳng định TESOL chỉ là một cái tên! 

TESOL (Teaching English to Speakers of Other Languages) là tên gọi của một loại bằng cấp, chứng chỉ về nghiệp vụ giảng dạy tiếng Anh cho những người sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ khác. Theo đó, có rất nhiều cấp độ đào tạo TESOL từ bậc thấp như các khóa ngắn hạn về chứng chỉ TESOL (Certificate), chuyên sâu như TESOL Diploma, đến bậc cao hơn như Đại học (Bachelor) và Thạc sỹ TESOL (Master in TESOL). Vì vậy khi nói đến học TESOL chung chung thì sẽ khá đa dạng, tùy mục tiêu và định hướng nghề nghiệp mà mỗi cá nhân sẽ có sự lựa chọn chương trình, bậc học hay khóa học phù hợp.

      2.  Không phải các chứng chỉ TESOL đều giống nhau!

Các đơn vị khác nhau có các chương trình đào tạo TESOL khác nhau. Chỉ riêng với bậc đạo tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ TESOL thì cũng đã có rất nhiều sự khác nhau về: uy tín của đơn vị tổ chức (có vị thế, bề dày kinh nghiệm đào tạo TESOL và có được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hay không), chương trình (nội dung đào tạo, phương pháp chủ đạo, những kỹ năng trong khóa đào tạo …), hình thức (trực tiếp hay online), thời lượng (số giờ học trực tiếp, số giờ thực hành, thời gian nghiên cứu mở rộng…), giảng viên (có giảng viên của đơn vị trực tiếp giảng dạy hay không, kinh nghiệm của giảng viên …), tiêu chí đánh giá (dạng thức thi: lý thuyết, thực hành, kiến thức, kỹ năng, các tiêu chí có phù hợp với giáo viên…) và cuối cùng là sự khác nhau về chi phí tương ứng. 

Vì vậy, khi nói đến chứng chỉ TESOL thì cả học viên và nhà tuyển dụng cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về đơn vị tổ chức khóa đào tạo và cấp chứng chỉ TESOL đó.

     3. TESOL chỉ là sự khởi đầu!

 Khóa đào tạo ngắn hạn TESOL cung cấp cho người học cơ sở, kiến thức và phương pháp về giảng dạy tiếng Anh. Với những anh chị chưa có kinh nghiệm và không học sư phạm thì đây là khóa học cần thiết để bắt đầu công việc giảng dạy tiếng Anh chính thống. Với những anh chị đã có kinh nghiệm và thậm chí chuyên nghành sư phạm thì khóa TESOL sẽ giúp cập nhật và thay đổi phương pháp, kỹ năng giảng dạy để hoàn thiện hơn trên con đường phát triển nghề nghiệp của mình. Ví dụ, với những giáo viên đang dạy truyền thống và theo lối mòn thì việc được cập nhật phương pháp giảng dạy dựa trên hoạt động (activity based methodology) của AIT TESOL sẽ giúp họ biết tổ chức lớp học tích cực, xây dựng và tổ chức các hoạt động giảng dạy, linh hoạt và chủ động tương tác cũng như quản lý lớp học hiệu quả hơn.

     4. TESOL dễ hay khó?

Sẽ không có một câu trả lời thỏa mãn tất cả các đối tượng cho câu hỏi này, mà tùy thuộc mục tiêu của người học.

        DỄ – nếu học viên đặt mục tiêu chỉ để lấy chứng chỉ trang trí cho bộ hồ sơ nên sẽ lựa chọn các khóa học không yêu cầu cao cả đầu vào và đầu ra, ngoài ra cũng không có những đánh giá về nội dung giảng dạy cũng như tiêu chuẩn cụ thể. Việc lựa chọn này sẽ dễ dàng mang tới cho các anh chị một chứng chỉ TESOL, tuy nhiên sẽ làm khó các anh chị khi phải thể hiện kỹ năng đứng lớp thật sự trước học viên cũng như nhà tuyển dụng.

        KHÓ – nếu học viên đặt mục tiêu học thật sự để có phương pháp giảng dạy và các kỹ năng đứng lớp ở các môi trường giảng dạy khác nhau. Rất nhiều anh chị học viên khi tìm đến với AIT TESOL-EDUCAP ban đầu cũng rất quan tâm đến uy tín của chứng chỉ AIT, nhưng sau khóa học thì với các anh chị ấy chứng chỉ không còn đóng vai trò quá quan trọng nữa, mà sự tự tin làm chủ các phương pháp đứng lớp tích cực mới là sự thể hiện và là yếu tố quyết định giá trị của một giáo viên tiếng Anh TESOL.

Sự thể hiện trên lớp của giáo viên chính là kết quả của một quá trình học tập, rèn luyện và cập nhật không ngừng về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm – Và đây là một hành trình không hề dễ dàng. Vì vậy nếu không có sự chủ động học tập, thay đổi và thích ứng để làm chủ phương pháp giảng dạy tích cực chắc chắn giáo viên chưa thể đạt được những tiêu chuẩn của một giáo viên tiếng Anh chuyên nghiệp.

Tại AIT TESOL- EDUCAP không phải tất cả học viên đều thành công ngay ở các bài thi giảng cuối khóa (demo teaching). Đây không phải là sự thất bại mà đơn giản là họ cần thêm thời gian để hoàn thiện một số kỹ năng nhất định theo các tiêu chí đánh giá của AIT. Họ sẽ được các giảng viên tư vấn và đồng hành trong thời gian tiếp theo và sẽ được đánh giá lại sau khoảng thời gian nhất định mà không phải đóng thêm bất cứ khoản phí nào.

     5. CUỐI CÙNG cũng là yếu tố quan trọng nhất!

Khả năng ứng dụng của anh chị sau khóa học TESOL! Cho dù khóa học 

có hay đến đâu, đơn vị có uy tín cấp nào thì khả năng ứng dụng và thực hành cũng như không ngừng hoàn thiện của giáo viên là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng của một bài giảng hay chính là thể hiện năng lực của giáo viên.

Nếu không thực sự có kỹ năng giảng dạy thực tế thì cho dù anh chị có sở hữu chứng chỉ TESOL nào thì cũng chỉ có thể qua được vòng nhận hồ sơ hoặc là thử việc. Chỉ có kỹ năng và phương pháp giảng dạy tích cực, chủ động và hiệu quả mới là những yếu tố để học viên và nhà tuyển dụng mong muốn được giữ chân và đồng hành cùng giáo viên dài lâu.

Kết luận: TESOL nên được coi là nền móng cơ bản giúp anh chị có thể bắt đầu sự nghiệp giảng dạy chuyên nghiệp. Việc lựa chọn đơn vị đào tạo TESOL cũng giống như lựa chọn đơn vị thi công nền móng vậy: nếu uy tín, chất lượng và hiệu quả thì anh chị sẽ có một nền móng vững chắc, được gia cố khoa học và hiện đại từ đó có thể chủ động xây dựng những ngôi nhà như ý và vững chãi. Và ngược lại, nếu nền móng không tốt sẽ khiến anh chị cảm thấy không tự tin, đôi khi bị động và lâu dần dễ thành lối mòn và thiếu động lực để phát triển.

Cũng cần nói thêm, dù có nền móng tốt đến đâu mà anh chị thiếu sự chủ động và tích cực trong việc ứng dụng các phương pháp, kỹ năng đã được học cũng như nhu cầu tiếp tục học hỏi để nâng cao và phát triển nghề nghiệp thì cái móng đó vẫn chỉ là nền móng, thậm chí có thể bị hạn chế dần theo thời gian.

Vì vậy việc tìm hiểu một khóa đào tạo chuẩn mực về phương pháp giảng dạy như TESOL là cần thiết đối với cả giáo viên trái ngành, thiếu kinh nghiệm hoặc giáo viên đã đứng lớp nhiều năm. Tuy nhiên, việc vận dụng và phát triển các phương pháp, kỹ năng đã được học tập như thế nào trong các điều kiện giảng dạy thực tế mới là sự quyết định đến thành công trên con đường sự nghiệp của các giáo viên.