Mystery story – hoạt động luyện tập ngữ pháp cho học sinh trình độ cao

Trong giảng dạy ngữ pháp, một trong những phần nặng nhất là dạy về thì của động từ. Vậy có hoạt động nào phù hợp để bổ trợ giảng dạy cho phần này? Thầy cô hãy đọc hết bài viết để tìm hiểu nhé.

Phần ngữ pháp khô khan sẽ không còn là vấn đề nếu thầy cô có trong tay những hoạt động bổ trợ giảng dạy và luyện tập phù hợp. Mystery story là một trong những hoạt động mà thầy cô nên đưa vào giáo án của mình khi dạy cho học sinh trình độ cao. Những câu chuyện bí ẩn được viết bởi nhiều người, chỉ có người cuối cùng nhận được “tác phẩm” hoàn thiện và công bố nó trong sự tò mò, đợi chờ của những người khác. Cảm giác thú vị đúng không?

Trước tiên, thầy cô sẽ chuẩn bị số lượng tờ giấy bằng đúng với số lượng học sinh có trong lớp. Bên lề trái mỗi tờ giấy sẽ được viết sẵn thứ tự các từ hỏi “Who”, “What”, “Where”, “When”, Why”. Mỗi học sinh có trong tay 1 tờ giấy, bắt đầu với từ hỏi “who”,

  • Vòng thứ nhất, tất cả sẽ viết tên của bất kỳ ai có trong lớp hoặc tên của người nổi tiếng … ví dụ như “Hung  Anh”, “Tuan” “Taylor swift” … ngay sau chữ “Who”
  • Vòng thứ 2: Tất cả học sinh gấp tờ giấy lại làm sao cho người sau không đọc được câu trả lời của mình. Sau đó cả lớp chuyển tờ giấy sang bên phải hoặc bên trái cho người khác. Thầy cô lưu ý lựa chọn một chiều thống nhất. Người bên cạnh nhận tờ giấy mới sẽ hoàn thiện phần “What”.  Có thể là “ is Sleeping”, “have eaten”, “has been sleeping”…
  • Vòng thứ 3: Tất cả học sinh tiếp tục gấp dòng chữ mình vừa viết về phía sau để người tiếp theo không biết những người trước đã viết gì và chuyển tờ giấy cho người bên cạnh. Người bên cạnh nhận tờ giấy và hoàn thiện phần “Where”. Có thể là “in the hospital”, “in the hotel”, “in Mars”…

Tiếp tục vòng 3, 4, 5 tương tự cho tới khi tất cả câu trả lời cho các từ hỏi đều được điền. Khi kết thúc  các vòng thầy cô sẽ gọi từng bạn học sinh đứng dậy và đọc các câu chuyện ngắn đã được hoàn thiện.

Lưu ý: Khi học sinh viết chưa đúng ngữ pháp hay thiếu giới từ… thầy cô có thể chỉnh sửa ngay để câu chuyện được hoàn thiện.

Nói nghe có vẻ phức tạp, thầy cô quan sát ví dụ cụ thể dưới đây để hình dung rõ hơn. Ví dụ, hôm nay thầy cô dạy về thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn, thầy cô sẽ yêu cầu học sinh của mình viết câu chuyện theo thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn:

  • Who: Simon
  • What: has been sleeping
  • Where: in my bathroom
  • When: for 2 decades
  • Why: Because it was hot

Mỗi vòng, học sinh sẽ hoàn thiện thêm các câu, từ phía sau các từ hỏi

Người cuối cùng nhận được tờ giấy với câu chuyện hoàn thiện sẽ đọc lên cho tất cả mọi người nghe “Simon has been sleeping in my bathroom for 2 decades because it was hot”. Vì không biết người trước đó viết gì nên người sau sẽ tự nghĩ ra những câu từ ngẫu nhiên điền vào sau từ hỏi. Khi kết hợp lại sẽ tạo ra những câu chuyện buồn cười và thú vị, đôi lúc lại khớp đến kỳ lạ.

Hoạt động này giúp học sinh:

  • Học và luyện tập ngữ pháp vừa vui vừa hiệu quả hơn
  • Phát triển kỹ năng viết và nói cho học sinh
  • Phát triển tư duy, sáng tạo

Thầy cô thấy đấy, với những phương pháp, tiến bộ cùng những hoạt động thú vị và sáng tạo thì kể cả những tiết học ngữ pháp vốn được coi là khô khan cứng nhắc cũng trở nên những tiết học hào hứng hơn, học sinh sẽ tiếp thu hiệu quả.

Bài viết liên quan